Đà Nẵng mệnh danh là nơi đáng sống, nơi muốn đến mà không muốn đi. Đà Nẵng như được tạo hóa nuông chiều, ban tặng những thứ tinh túy nhất của thiên nhiên. Trong đó bán đảo Sơn Trà Đà Nẵng là nơi sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh có vẻ đẹp quyến rũ, là một bán đảo độc nhất vô nhị của Việt Nam.
Bán đảo Sơn Trà (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 10 km về phía đông bắc. Với ba mặt giáp biển, mặt còn lại giáp đô thị, Sơn Trà là tổng hòa của hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền biển duy nhất ở Việt Nam.
Bán đảo có diện tích hơn 4.400 ha, dài 13 km với chu vi khoảng 60 km, độ cao trung bình 350 m, nơi cao nhất là đỉnh Ốc gần 700 m. Cùng với đèo Hải Vân và vịnh Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà như bình phong bao bọc, che chắn cho thành phố Đà Nẵng.
Xa xưa, Sơn Trà là đảo nổi với 3 ngọn núi. Dòng nước biển chảy ven bờ theo thời gian đã mang phù sa bồi đắp 3 ngọn núi này thành doi đất chạy từ đất liền ra đảo, hình thành bán đảo.
Bán đảo là hệ sinh thái khép kín với 4 kiểu rừng phân theo độ cao từ trên xuống dưới. Ở trên là rừng mưa ẩm nhiệt đới, lưng chừng là rừng nửa khô hạn rồi đến rừng còi và đới thực vật ven biển. Phía dưới là thảm cỏ và san hô. Các nhà nghiên cứu thống kê ở Sơn Trà có gần 1.000 loài thực vật bậc cao, trong đó 57 loài cho củ, quả làm thức ăn cho người và động vật.
Cả vùng Đà Nẵng kéo dài đến Hội An (Quảng Nam) chỉ có bán đảo Sơn Trà được coi là nơi đa dạng sinh học. Đây là túi chứa nước ngọt cung cấp cho thành phố và hệ nước ngầm toàn bộ Đà Nẵng, Hội An nên có giá trị môi trường rất cao, là lá phổi xanh của cả một vùng rộng lớn.
Bán đảo cũng là nơi sinh sống của hàng trăm loài động vật, trong đó có 22 loài quý hiếm, nguy cấp thuộc Sách Đỏ như mèo rừng, chồn bạc má… Nổi bật nhất là quần thể linh trưởng đặc hữu của Đông Dương – voọc chà vá chân nâu – với số lượng 300-400 cá thể.
Ở Sơn Trà đang ghi nhận quần thể chà vá chân nâu lớn nhất trên thế giới trong tự nhiên. Loài động vật này có nhiều màu sắc nhất (5 màu) trong các loài khỉ ăn lá. Chúng được Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc tế tôn vinh là “nữ hoàng của các loài linh trưởng” chính nhờ vẻ đẹp khác thường.
Chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus) thuộc họ khỉ cựu thế giới (nhằm phân biệt với loài khỉ tân thế giới), được giới khoa học biết đến từ năm 1771 nhưng phải cuối thế kỷ 20 mới được kết luận là một loài riêng. Voọc chà vá chân nâu được tìm thấy ở Sơn Trà vào năm 1969. Chúng sống theo bầy đàn từ 5 đến 10 cá thể và chủ yếu ở độ cao 100-600 m. Tại Sơn Trà, voọc lại phân bố đến tận mép biển (0m).
Theo Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), voọc chân nâu đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng cao, đứng thứ hai trong danh lục đỏ của IUCN về các loài bị đe dọa.
Mối đe dọa đối với voọc chà vá chân nâu
Hiện nay, voọc chà vá chân nâu đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa, bao gồm:
Săn bắt trái phép: Voọc chà vá chân nâu là loài động vật có giá trị cao trên thị trường, vì vậy chúng thường bị săn bắt trái phép để lấy thịt, da và lông.
Mất môi trường sống: Sự phát triển của đô thị hóa và du lịch đang gây ra tình trạng mất môi trường sống của voọc chà vá chân nâu.
Biện pháp bảo tồn
Để bảo tồn quần thể voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà, cần có sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Các biện pháp cần được triển khai bao gồm:
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo tồn voọc chà vá chân nâu.
Tăng cường tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn tình trạng săn bắt trái phép.
Xây dựng các khu bảo tồn, khu vực cấm khai thác, thu hoạch tài nguyên thiên nhiên để bảo vệ môi trường sống của voọc chà vá chân nâu.
Từ thế kỷ 17, khi viết “Hải ngoại kỷ sự”, nhà sư Thích Đại Sán đi vào cửa vịnh Đà Nẵng đã ghi lại những cảm giác thật đặc biệt của mình lúc nhìn thấy khỉ nhảy nhót ở núi Sơn Trà như sau: “Chợp ngủ chừng nửa giờ, đã thấy phương Đông sáng bạch. Khoác áo choàng ngồi dậy, thấy sóng yên nước lặng, té ra thuyền đã vào vũng ( tức là vịnh Đà Nẵng) ở trong vòng núi bao quanh. Dọc bờ biển, đá lèn lởm chởm, trên cây vượn trắng nhảy nhót từng bầy, trái đồi hoa núi, xanh đỏ sum sê…”. Nhiều bút ký của người phương Tây khi thả neo tại Đà Nẵng đều định danh núi Sơn Trà là… núi Khỉ. Sau này, nhiều tài liệu lưu trữ cũng như bản đồ quân sự của người Mỹ cũng đều ghi tên Sơn Trà là Monkey Mountain – núi Khỉ.
Em là gà…!