Chúng ta vừa trải qua một đại dịch khủng khiếp Cô Vi. Đây là cuộc khủng hoảng toàn cầu thật sự đầu tiên mà chúng ta từng chứng kiến trong cuộc đời mình. Đại dịch đã ảnh hưởng đến mỗi người trong chúng ta. Đại dịch làm cuộc sống của người dân toàn cầu bị đảo lộn, nhiều thứ mãi mãi không trở lại như xưa. NHiều triệu người bị chết vì Cô Vi.
Cô Vi đánh dấu sự trở lại của kẻ thù cực kỳ xưa cũ và quen thuộc. Trong suốt lịch sử, không gì giết chết nhiều người bằng virus, vi khuẩn và ký sinh trùng gây bệnh.
Bệnh dịch hạch Justinian xảy ra vào thế kỷ thứ Sáu và giết đến 50 triệu người, có lẽ là một nửa dân số toàn cầu thời đó.
Khoảng 50-100 triệu người chết vì đại dịch cúm năm 1918 – số người chết vượt xa số thương vong trong Thế chiến Thứ Nhất, vốn xảy ra vào cùng thời kỳ. Cứ ba người thì có một người bị nhiễm virus cúm năm 1918.
HIV, đại dịch vẫn còn theo ta và vẫn chưa có vaccine phòng ngừa, đã giết chết khoảng 32 triệu người và lây nhiễm đến 75 triệu người, và mỗi ngày đều có thêm người nhiễm mới.
Cái Chết Đen, một đại dịch hạch xảy ra ở châu Á và châu Âu trong thế kỷ 14, mà đỉnh điểm là ở châu Âu trong 1346-1351, với số lượng người chết ở châu Âu và châu Á khoảng 75 – 200 triệu người. Được coi là một trong những đại dịch chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại, ước tính nạn dịch này đã giết chết 30% – 60% dân số của châu Âu (tương đương 25 – 50 triệu người) và giảm dân số toàn cầu từ khoảng 450 triệu người xuống còn 350 – 375 triệu người vào năm 1400.
Quan điểm truyền thống cho rằng “Cái chết đen” do loại vi khuẩn Yersinia pestis gây ra. Yersinia. pestis được khám phá vào năm 1894 do công của bác sĩ và nhà vi khuẩn học người Pháp Alexandre Yersin trong trận dịch của bệnh dịch hạch tại Hồng Kông. Yersin là thành viên của “trường phái Pasteur”.
Shibasaburo Kitasato, một nhà vi khuẩn học người Nhật được huấn luyện tại Đức, thuộc “trường phái Koch” đối thủ, lúc bấy giờ cũng tham gia tìm tác nhân gây bệnh của dịch hạch. Tuy nhiên chính Yersin là người đã liên kết bệnh dịch hạch với Yersinia pestis. Vi khuẩn này lúc đầu được gọi là Pasteurella pestis, và sau đó được đặt lại tên theo tên của Yersin.
Địa điểm bùng phát của Cái Chết Đen thường được cho là ở Trung Á sau đó căn bệnh này nhiều khả năng thông qua loài chuột trên các tàu buôn của các thương nhân người Genova mà lan đến bán đảo Crimea vào năm 1346 rồi xâm nhập vào vùng Địa Trung Hải và châu Âu. Sự tàn phá khủng khiếp của Cái Chết Đen đã dẫn đến nhiều thay đổi lớn trong xã hội châu Âu như việc ra đời của nhiều tôn giáo mới hay sự chuyển đổi về cơ bản của kinh tế và xã hội châu Âu, tạo ra những ảnh hưởng sâu sắc tới tiến trình lịch sử của châu lục này.
Ước tính châu Âu đã phải mất tới 150 năm để phục hồi dân số như trước thời gian đại dịch.
Bệnh dịch hạch đã chính thức lan đến châu Âu vào tháng 10 năm 1347, khi 12 con tàu từ Biển Đen cập cảng Messina của Sicilia. Khi người dân thị trấn đến nơi, họ bắt gặp cảnh tượng kinh hoàng – hầu như tất cả các thủy thủ đều đã chết hoặc đang cận kề cái chết. Da của nạn nhân bốc mùi thối do những nốt mụn hơi đen chảy ra máu và mủ. Cái tên “cái chết đen” xuất phát từ vết sưng đen của bệnh dịch hạch.
Người dân địa phương nhìn thấy những người đàn ông di chuyển không vững với chân tay run rẩy như thể đang bị thần chết điểm danh. Các nhân chứng mô tả cảnh này là “vũ điệu của cái chết”. Các con tàu đã được chính quyền yêu cầu phải ra khơi, nhưng đã quá muộn, dịch bệnh đã bắt đầu lây lan. Đó là sự khởi đầu của bệnh dịch hạch ở châu Âu, được ghi nhận là một trong những thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử. Châu Âu là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi căn bệnh này, nhưng không phải là nạn nhân đầu tiên của “cái chết đen”.
Trước khi đến Châu Âu, căn bệnh này đã càn quét qua Trung Quốc, Ấn Độ, Ba Tư và Syria. Trên khắp Châu Âu, Châu Á, Trung Đông và Nam Phi, nhiều người đã bỏ mạng vì “cái chết đen”. Những người bị nhiễm bệnh đều bị viêm các hạch bạch huyết ở vùng bẹn, cổ, tay chân và dưới cánh tay. Nốt sưng sẽ phát triển từ kích thước của quả óc chó đến kích thước của quả trứng, tạo ra ổ nhọt màu xanh đen.
Trong trường hợp xấu nhất, nốt sưng có thể mở rộng đến kích thước của một quả táo có màu tím đen. Khu vực sưng tấy sẽ chảy máu và mủ. Nạn nhân của bệnh dịch hạch sẽ phải chịu hầu hết các triệu chứng điển hình như sốt, đau, ớn lạnh, đổ mồ hôi, đau bụng và tiêu chảy, sau đó nôn ra máu, tất cả đều dẫn đến tử vong trong vòng một tuần. Trong một thị trấn hoặc làng mạc, vào thời điểm một nạn nhân bị căn bệnh này cướp đi sự sống, những người khác đã ở trong giai đoạn đầu của quá trình lây nhiễm.
Mặc dù một số hòn đảo nhỏ hơn ở Châu Âu đã không bị lây nhiễm, theo một số nguồn tin, các thành phố khác ở châu Âu, tỷ lệ tử vong là 60%, riêng ở Florence (Italy) là 90%. Căn bệnh giết chết cả bò, dê, lợn và các vật nuôi khác. Nhiều người đã từ bỏ các thành phố, trốn chạy để cứu mạng sống của họ, nhưng vô ích.
Nguồn gốc “cái chết đen”
Chấy và bọ chét được cho là vật mang vi khuẩn dịch hạch “Yersinia Pestis” ở sóc, thỏ, chuột và gà… Theo một số ý kiến, chuột đô thị vừa là vật mang mầm bệnh vừa là nguồn gốc của “cái chết đen”. Các triệu chứng của chuột có thể so sánh rõ ràng với các triệu chứng của người. Sau khi một số lượng lớn động vật gặm nhấm chết, bọ chét sẽ săn tìm vật chủ mới để kí sinh. Và do thiếu các sinh vật nhỏ hơn, đôi khi người trở thành vật chủ.
Lý thuyết này có vẻ liên quan đến sự lan truyền nhanh chóng của “cái chết đen” ở một số địa điểm ở châu Âu. Các loài gặm nhấm làm tổ trong các con tàu do những nơi tối và ẩm cung cấp một môi trường sống lý tưởng cho chúng. Bệnh dịch hạch đã lây lan khắp thế giới bởi những con tàu tử thần đó.
Tại thời điểm hiện nay, dịch hạch không phải là điều đáng lo ngại.
Nhưng nguồn lây không chỉ là chuột mà còn qua bọ chét nên có thể lây nhiễm cho vật nuôi trong nhà, rồi lây bệnh cho người.
Điều này có nghĩa là khả năng lây nhiễm của dịch hạch vẫn rất cao, và khó có thể nói trước được việc vi khuẩn Yersinia pestis có đột biến và xuất hiện tình trạng kháng thuốc hay không. Các phương pháp điều trị hiện đại bao gồm thuốc diệt côn trùng , sử dụng thuốc kháng sinh và vắc xin phòng bệnh dịch hạch . Người ta sợ rằng vi khuẩn dịch hạch có thể phát triển kháng thuốc và một lần nữa trở thành mối đe dọa sức khỏe lớn. Một trường hợp vi khuẩn kháng thuốc đã được tìm thấy ở Madagascar vào năm 1995. Một đợt bùng phát khác ở Madagascar đã được báo cáo vào tháng 11 năm 2014. Vào tháng 10 năm 2017, đợt bùng phát bệnh dịch hạch nguy hiểm nhất thời hiện đại đã tấn công Madagascar , giết chết 170 người và lây nhiễm cho hàng nghìn người.
Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo những người nuôi và chăm sóc thú cưng nên thường xuyên chăm sóc y tế cho vật nuôi, tìm cách loại bỏ các loại bọ chét, bọ ve khỏi cơ thể chúng. Giữ môi trường sống sạch sẽ và tránh xa các loài gặm nhấm, cụ thể là chuột.
Em là gà…!