Thưởng thức nghệ thuật dành cho gà mờ, viết bởi…gà mờ phần 1

Chia sẻ trên Facebook

Trong một video trên zu túp, khi người chủ của kênh tới thăm Viện bảo tàng nổi tiếng Thế giới Louvre ở Paris, phân đoạn ấn tượng nhất, đáng giá nhất, nhớ lâu nhất, ngỡ ngàng nhất…đó là khi video tả chân, tả thật, tả rõ ràng, tả trần trụi nhất cái gọi là “thưởng thức nghệ thuật” của nhiều, rất nhiều người. Họ chen chúc, phấn khởi, hăng say ghi lại khoảnh khắc xếp hàng vào Viện bảo tàng Louvre, thể hiện sự văn minh, trí tuệ, hiểu biết…Sau đó, hình ảnh trong video cho thấy nhiều người tìm tòi nhằm mục đích đi tới cho bằng được vị trí của Bức họa Mona Lisa, ngay sau khi chụp seo phì tại vị trí của Bức họa Mona Lisa xong họ đi thẳng ra ngoài, không hề quan tâm tới hàng ngàn, hàng chục ngàn các tác phẩm nghệ thuật vĩ đại khác. Có vẻ như thế giới nghệ thuật của họ chỉ có bức họa nhỏ bé chỉ lớn hơn quyển vở một chút Mona Lisa của Leonardo da Vinci? Khi bước ra, trên những bức tường xung quanh treo những tác phẩm vĩ đại, nhưng mọi người dường như….không thèm thưởng thức, họ không hề liếc ngang, ngó dọc…hùng dũng bước thẳng ra ngoài…

Chúng ta thưởng thức một món ăn ngon bằng cách nào? Ngày bé thơ thì thường là…để dành…Ăn một tô bún mà có mấy lát chả khoái khẩu thì dứt khoát phải…để dành, xong hết bún, húp hết nước…Sau đó mới từ từ thưởng thức mấy lát chả! Lớn lên, “di chứng” của việc để dành sẽ khiến chúng ta tiếp tục…để dành! Thật ra, chúng ta biến việc “để dành” trở thành…nghệ thuật! Chúng ta sẽ từ từ ăn tô bún ngon, sẽ húp một chút nước lèo, chậm rãi gắp mấy sợi bún kèm theo một lát chả, từ từ cảm nhận hương vị tổng thể tô bún, mùi thơm của chả, hành, ớt…vị ngọt của nước, vị thanh của xương hầm, vị ngon của lát chả….Ực, nói tới đây phải tạm dừng…Bàn về nghệ thuật mà lại…nuốt nước miếng!

Theo quan điểm cá nhân, với góc nhìn của một… gà mờ, thưởng thức nghệ thuật phải có phong thái của…thưởng thức tô bún! Phải từ từ, phải để ý chi tiết, phải nhâm nhi…lịch sử! Đúng vậy, lịch sử! Bản thân cho rằng lịch sử là cái quan trọng nhất khi thưởng thức nghệ thuật. Ví dụ, quay lại với Mona Lisa của Leonardo da Vinci, bạn sẽ nhận ra rằng dù được Da Vinci vẽ vào khoảng năm 1503, nhưng cho tới thế kỷ 20, Mona Lisa là một trong nhiều tác phẩm và chắc chắn không phải là “bức tranh nổi tiếng nhất” thế giới như hiện tại. Vào năm 1852 giá trị thị trường của Mona Lisa là 90.000 franc so với các tác phẩm của Raphael có giá lên tới 600.000 franc. Chúng ta, những gà mờ nghệ thuật, sẽ không “đủ trình” để phán xét sự nổi tiếng và giá trị của Mona Lisa hiện tại, nhưng nếu muốn thật sự “thưởng thức” bức họa, chúng ta nên tìm hiểu về lịch sử. Đại khái: Sau khi được sáng tác trong thời kì Phục Hưng Ý, “nàng” Mona Lisa được truyền tay từ Vua François I, tới Vua Louis XIV, rồi tới Hoàng đế Napoleon I…Sau đó chiến tranh khiến “nàng” lưu lạc đâu đó ở Pháp. Mãi tới giữa thế kỷ 19 Mona Lisa mới bắt đầu nổi tiếng khi các nghệ sĩ của phong trào Biểu tượng bắt đầu ca ngợi nó, và gắn nó với những ý tưởng của họ về sự bí ẩn của phụ nữ. Chúng ta chỉ cần tìm hiểu tới đó. Cũng giống như ta chỉ cần biết bún làm từ đâu, làm bằng máy hay bằng tay, chả làm từ thịt tươi hay thịt để…một tháng trong tủ lạnh, nước bún nấu từ xương hầm hay dùng bột ngọt, chủ quán bún có quảng cáo hay không…Nàng Mona Lisa được sáng tác trong thời kì Phục Hưng Ý, nhưng khi nàng chưa được…quảng cáo, nàng cũng bình thường, nàng chỉ nổi tiếng sau khi được…quảng cáo! Không có gì sai cả, nhưng lúc này cái nhìn của chúng ta đã trở nên…nghệ thuật hơn! Một quán bún lặng lẽ “núp hẻm” nhưng được truyền miệng ngon lắm với một quán bún “mặt tiền” quảng cáo rầm rộ, bạn sẽ chọn quán nào? Và sau khi thử cả hai quán, rì viu của bạn chắc chắn sẽ chân thực hơn nếu so với khi bạn thử cả hai mà không hề biết một quán thì “lặng lẽ nổi tiếng” còn một quán thì “nổi tiếng nhờ quảng cáo”. Đôi khi quán có quảng cáo sẽ ngon hơn, đôi khi quán lặng lẽ lại ngon hơn…Nhưng nếu biết sự thật và lịch sử, cái nhìn của chúng ta sẽ rõ ràng hơn, phán xét sẽ khách quan hơn.

Tiếp phần 2


Chia sẻ trên Facebook

Để lại một bình luận

error: Content is protected !!
Lên đầu trang