Sau phần một, với những tư tưởng rất …gà mờ, ghép nối một cách thô bạo nghệ thuật với…ăn bún, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu cách để thưởng thức nghệ thuật. Cụ thể trong loạt bài đầu tiên này chúng ta sẽ tìm hiểu cách thưởng thức nghệ thuật hội họa.
Như đã bàn trong phần một, để thưởng thức một tô bún chúng ta cần hiểu lịch sử quá trình người ta làm ra nó: Sợi bún làm từ đâu, thịt tươi hay thịt đông lạnh, nước bún hầm từ loại xương gì….Tương tự, để thưởng thức một tác phẩm hội họa, ta cần phải hiểu lịch sử hình thành nên tác phẩm hội họa đó. Dù đã cố “bún hóa nghệ thuật” cho dễ tiếp thu, nhưng phải thừa nhận rằng nghệ thuật là một khái niệm phức tạp và khó định nghĩa một cách chính xác. Nhưng có một điều chắc chắn, nghệ thuật là thứ gì đó có thể chạm đến trái tim của chúng ta. Nó có thể khiến chúng ta cảm thấy vui, buồn, giận dữ, hay thậm chí là yêu thương. Nghệ thuật có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, từ những bức họa đầy màu sắc đến những bản nhạc du dương, từ những bộ phim ý nghĩa đến những tác phẩm văn học hay thơ ca sâu sắc. Nghệ thuật đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, từ thời kỳ tiền sử cho đến hiện đại, với những phong cách và trường phái nghệ thuật đa dạng. Hãy khoan bàn tới những điều lớn lao, trước hết hãy tưởng tượng chúng ta là những người sống trong thời tiền sử, chúng ta sẽ sáng tác một tác phẩm nghệ thuật như thế nào? Mọi thứ đơn giản y như là ta vào quán gọi một…tô bún và ăn vậy! Dù vô thức nhưng có lẽ 99,99% mỗi chứng ta đều đã từng sáng tạo nghệ thuật ít nhất một lần trong đời!
Thời kỳ còn ngồi trên ghế nhà trường, một lúc nào đó ta vẽ loằng ngoằng lên giấy…một trái tim… một khuôn mặt cười, hay giận dữ…một hình người hình que…hay tên một ai đó…Không cần qua trường lớp hội họa nào, không cần biết lý thuyết màu sắc, không cần biết những thời kỳ Trung cổ, Phục hưng, Lãng mạn…Chúng ta “sáng tác” y như cách mà người tiền sử sáng tác! Những tác phẩm đó nói lên nỗi lòng, nói lên những suy nghĩ sâu thẳm, nói lên ước muốn…của mỗi chúng ta. Đó chính xác là Nghệ Thuật! Quá đơn giản!
Một “tác phẩm” hình trái tim với dòng chứ “A yêu B” nói lên tâm trạng đang yêu, đang say, đang vui vẻ, hạnh phúc….nhưng cũng có thể đang lo lắng, thất vọng…Một hình tròn với gương mặt xấu xí, nếu có thêm cái tên “Nguyễn Văn Xấu” nữa thì chắc chắn “tác phẩm” đó đang nói lên sự căm phẫn, sự tức giận, chỉ muốn cho “tên khốn” Nguyễn Văn Xấu đó biến mất khỏi trái đất! Úi trời, vậy mà chúng ta cũng đã phân tích “đâu ra đó” một vài “tác phẩm hội họa” điển hình thời kỳ…ngồi mài ghế trường phổ thông! Dễ mà!
Em là gà…!