Dù những gà mờ như chúng ta cố đơn giản hóa, “bún hóa nghệ thuật” thì rõ ràng đây là một lĩnh vực vô cùng khó nhằn, mênh mông và khó nắm bắt. Vì vậy chúng ta thống nhất sẽ tiếp tục theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa trước, sẽ đi từ thời tiền sử tới hiện tại theo cung cách như phần trước, sau đó chúng ta mới quay lại phân tích chi tiết hơn từng thời kỳ. Theo kiểu “gạo đi gạo lại” cho đến khi nào thuộc bài thì thôi.
Sau thời Trung cổ của bài trước, sẽ đến thời Phục Hưng. Phần này chúng ta sẽ đi tiếp từ giai đoạn Phục Hưng, đầu thế kỷ 15, tới hết thế kỷ 18, khi mà trường phái Tân Cổ Điển lan rộng.
2.Từ thời Phục Hưng tới Tân Cổ Điển:
2a.Thời Phục Hưng (thế kỷ 15 – hết thế kỷ 16):Từ “Phục Hưng”, tiếng Anh là “Renaissance”, có nghĩa là tái sinh. Thời kỳ Phục Hưng được chia ra làm 3 giai đoạn: sơ Phục Hưng (Early Renaissance), thịnh Phục Hưng (High Renaissance), và giai đoạn trường phái Kiểu Cách (Mannerism).
Thời kỳ sơ Phục Hưng là sự nổi lên của một thế hệ nghệ sĩ trẻ phá cách sống tại Florence. Họ muốn bứt phá khỏi lối kiến trúc Gothic, lối vẽ tranh và tạc tượng tập trung quá nhiều vào tính mộ đạo mà quên đi cái đẹp tự nhiên. Đại khái đây là lúc ta thấy mọi thứ sẽ tự nhiên. Trước đây ta nhìn thấy một tác phẩm với nhiều nhân vật, cả một điển tích, cả một câu chuyện tập trung hết vào một mặt phẳng của bức tranh, không có khái niệm xa gần. Kiểu như ngày bé thơ ta vẽ cha mẹ, cô giáo, thầy giáo, bạn bè, cái xe đạp, con gà, ngôi nhà, ông mặt trời…mọi thứ vào một trang giấy. Sẽ không thể hình dung “ông mặt trời” đang ở rất xa, con gà đang ăn ở phía sau cha mẹ…Đến thời kỳ này, các họa sỹ cố gắng thể hiện những vật càng ở xa thì càng bé đi. Áp dụng toán học để rút ra những kinh nghiệm về điểm tụ, các trục hội tụ và đường chân trời, nhằm giúp người xem có cảm giác sự 3 chiều của tranh.
Thời kỳ Thịnh Phục Hưng được đánh dấu với những nghệ sĩ và tác phẩm nằm trong danh sách vĩ đại nhất mọi thời kỳ. Với sự hiểu biết sâu sắc trong nhiều lĩnh vực như khoa học, toán học, kỹ thuật, giải phẫu, địa chất đã làm nên tính cách mạng của nghệ thuật giai đoạn này. Bạn hình dung kiểu như thời thơ bé ta vẽ một hình người hình que nguệch ngoạc thì nay đã là một hình người hoàn chỉnh, với cảm nhận từng mạch máu dưới da, từng đốt xương bên trong cơ thể. Leonardo da Vinci, Raphael, Michelangelo là những cái tên lỗi lạc trong thời kỳ này.
Sau giai đoạn đỉnh cao của nghệ thuật tả thực trong thời Thịnh Phục Hưng, các nghệ sĩ đã bắt đầu trở nên sáng tạo và phá cách hơn. Họ dần rời bỏ lối tư duy hài hoà, thực tế và cân đối, để rồi hướng đến phong cách mang tính cường điệu và cầu kỳ hơn. Đây được gọi là trường phái Kiểu Cách (Mannerism). Các tác phẩm Kiểu Cách thường có bối cảnh phi tự nhiên, nhằm mang lại trải nghiệm nghiêng về triết học và giáo lý sâu xa. Những nhân vật trong tranh thường có dáng người khá bất cân đối, như là tay chân dài, tạo dáng mềm mại quá mức. Ngoài ra, nghệ thuật vẽ chân dung cũng bắt đầu phát triển. Một vài nghệ sĩ Kiểu Cách nổi tiếng có thể kể đến là Titian và Parmigianino.
Em là gà…!