Chúng ta đã thấy sự hiện diện của BẢO TÀNG ĐIÊU KHẮC CHĂM ĐÀ NẴNG từ rất lâu, và coi như một lẽ tự nhiên, không hề thắc mắc tại sao nó lại có mặt ở đó?
Thực tế, Dân tộc Chăm vốn sinh tụ ở duyên hải miền Trung Việt Nam từ rất lâu đời, đã từng kiến tạo nên một nền văn hoá rực rỡ với ảnh hưởng sâu sắc của văn hoá ấn Ðộ. Ngay từ năm 877, người Chăm đã từng xây dựng nên vương quốc Chiêm Thành là tên gọi của vương quốc Chăm Pa. Đầu thế kỷ thứ 11, Chiêm Thành bao gồm 4 vùng đất hay còn gọi là tiểu quốc, đó là: Amaravati, (vùng Quảng Nam, Đà Nẵng và Bình – Trị – Thiên ). Vijaya, (vùng Quảng Ngãi, Bình Định), Kauthara, (vùng Phú Yên, Khánh Hòa) và Panduranga, (vùng Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay).
Dân số người Chăm tại Việt Nam theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là 178.948 người, năm 2009 là 161.729 người, xếp thứ 14 về dân số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Theo phân loại của Joshua Project có hai nhánh là Chăm Tây với tổng dân số 331 ngàn cư trú ở Việt Nam, Campuchia và các nước khác, và Chăm Đông với tổng dân số 135 ngàn cư trú chủ yếu ở Việt Nam và Hoa Kỳ. Ngoài ra, ở Việt Nam còn có nhóm Chăm H’roi cư trú ở các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Gia Lai với tổng dân số 45 ngàn người.
Văn hóa Ấn Độ, Campuchia và Java đều có ảnh hưởng đến văn hóa Chăm Pa. Tiếng Phạn trở thành ngôn ngữ học thuật, và Ấn giáo, đặc biệt là Shiva giáo, trở thành quốc giáo. Chăm Pa có vai trò trung chuyển quan trọng trên con đường hồ tiêu từ vịnh Pec-xich tới miền nam Trung quốc và sau này là con đường thương mại trên biển của người Ả Rập, xuất phát từ bán đảo Đông Dương – nơi xuất khẩu trầm hương. Mặc dù giữa Chăm Pa và đế quốc Khmer luôn có chiến tranh, nhưng thương mại và văn hóa vẫn được giao lưu về cả hai phía. Chăm Pa còn có quan hệ thương mại và văn hóa với các đế quốc hùng mạnh trên biển như Srivijaya và sau này với Majapahit trên bán đảo Mã Lai.
Từ thế kỷ thứ 8 trở đi, người Hồi giáo từ các vùng như Gujarat bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều trong thương mại và vận chuyển của Ấn Độ. Không rõ chính xác khi nào Hồi giáo tới Champa nhưng các di chỉ ngôi mộ có niên đại vào thế kỷ XI đã được phát hiện. Nhìn chung người ta cho rằng Hồi giáo tới Đông Dương nhiều sau khi đã tới Trung Hoa trong suốt thời kỳ nhà Đường (Từ năm 618 đến năm 907), và các nhà buôn Ả Rập và Ba Tư trong vùng đã tiếp xúc trực tiếp với người Chăm chứ không phải với các dân tộc khác. Điều này có thể giải thích tại sao chỉ có người Chăm theo Hồi giáo theo kiểu Ba Tư một cách truyền thống trong vùng Đông Dương.
Ngược lại, đa số người Chăm ở Campuchia và Miền Tây Nam Bộ của Việt Nam, theo Hồi giáo phái Sunni, thực hiện các trụ cột như cầu nguyện năm lần một ngày, ăn chay trong tháng Ramadan và thực hiện hành hương đến thánh địa Mecca.
Trong tiến trình phát triển của lịch sử, các dân tộc thuộc các tiểu vương quốc Champa cổ ở miền Trung Việt Nam đã để lại một di sản nghệ thuật vô cùng quí báu. Ngày nay, cụm từ “nghệ thuật Chăm” hoặc “nghệ thuật Champa” dùng để chỉ các tác phẩm điêu khắc Ấn giáo – Phật giáo cùng hệ thống đền tháp được xây dựng bởi người Chăm và các dân tộc khác trên mảnh đất miền Trung. Rất nhiều đền tháp Champa đã bị huỷ hoại theo thời gian. Một số đền tháp khác may mắn tồn tại đến ngày nay như một minh chứng cho một quá khứ vàng son của các vương quốc Champa xưa. Tác phẩm điêu khắc Champa bao gồm chủ yếu là tượng nam thần và nữ thần, đài thờ, ngẫu tượng linga – yoni, vật linh, bia ký và các bộ phận cấu thành kiến trúc.
Năm 1858 đánh dấu việc người Pháp chiếm đóng Việt Nam. Các quan chức và nhà khảo cổ học người Pháp đã đến Việt Nam và bắt đầu quá trình khám phá các di tích đền tháp Champa tại miền Trung Việt Nam, thu thập hàng trăm tác phẩm điêu khắc thông qua các cuộc khai quật khảo cổ học, hoặc là hiện vật ngẫu nhiên tìm thấy. Các bộ sưu tập điêu khắc Champa này hiện nay được trưng bày tại nhiều bảo tàng trong và ngoài nước, trong đó đáng chú ý nhất là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Bảo tàng Bình Định, Bảo tàng Nghệ thuật châu Á tại Paris (Pháp), Bảo tàng Rietberg (Thụy Sỹ), Bảo tàng Nghệ thuật Cleveland (Hoa Kỳ), Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York (Hoa Kỳ). Tuy nhiên, bộ sưu tập lớn nhất hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Theo tài liệu của Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Việc xây dựng bảo tàng bắt đầu từ năm 1915 sau những nỗ lực không mệt mỏi để sưu tập và gìn giữ các tác phẩm nghệ thuật Champa của Charles Lemire, là một công sứ Pháp làm việc cho chính quyền thực dân Pháp tại Tour ran, (Đà Nẵng ngày nay) và Faifo, (Hội An ngày nay). cùng với Henri Parmentier một kiến trúc sư và nhà khảo cổ làm việc cho Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp.
Charles Lemire ở Đà Nẵng cho đến năm 1893 và theo đuổi sở thích sưu tập của mình. Năm 1892, Lemire đã vận chuyển 50 tượng điêu khắc Champa về công viên Tourane – vị trí toạ lạc ngày nay của Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Sau đó, số lượng các tác phẩm điêu khắc tăng lên đến 90, và được xem như bộ sưu tập đầu tiên của một bảo tàng sẽ được xây dựng trong tương lai. Không chỉ sưu tập các tác phẩm điêu khắc, năm 1893, Lemire lập bảng kiến nghị trình lên các quan chức thuộc địa bày tỏ nguyện vọng muốn xây dựng một bảo tàng địa phương để có thể gìn giữ các tác phẩm nghệ thuật tốt hơn. Tuy nhiên mãi đến năm 1915, ba năm sau khi ông qua đời toà nhà đầu tiên của bảo tàng mới được khởi công xây dựng.
Henri Parmentier là một kiến trúc sư chuyên nghiệp và đồng thời là nhà khảo cổ tham gia vào việc sưu tập nghệ thuật Champa trong thời gian ông làm việc cho Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp. Trong những năm làm việc cho Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp, Parmentier tiến hành khảo sát và phát lộ nhiều di tích Champa ở miền Trung Việt Nam.
Parmentier ôm ấp ý tưởng xây dựng một bảo tàng địa phương nơi những tác phẩm nghệ thuật Champa sau khi được thu thập về sẽ được trưng bày và bảo quản tốt hơn, thay vì gửi tất cả về Bảo tàng Guimet hay những nơi khác ở Pháp. Năm 1902, ông bắt đầu vẽ phác thảo về “một dự án kho lưu trữ” để bảo quản bộ sưu tập các hiện vật mà Charles Lemire đã mang về khu vườn Tourane kể từ năm 1892, nhưng vẫn nằm dầm mưa dãi nắng tại đây.
Tuy nhiên, đề án xây dựng bảo tàng tại Tourane của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp đã bị chính quyền Trung Kỳ thời đó phản đối do những khó khăn về tài chính.
Tiếp tục đeo đuổi kế hoạch xây dựng bảo tàng tại Tourane, năm 1908, Parmentier lập bản báo cáo về việc thành lập một bảo tàng Chàm.
Parmentier đã lập một danh mục gồm 300 tác phẩm điêu khắc và 70 văn bia có thể vận chuyển về bảo tàng Chàm trong tương lai ở Tourane. Tuy nhiên phải mất một vài năm nữa để dự án bảo tàng trở thành hiện thực. Năm 1913, ông Charles Gravelle – Giám đốc Ngân hàng Đông Dương, ghé thăm vườn tượng Tourane. Sau chuyến đi này, ông đã viết thư cho Giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp, Claude Eugene Maitre, để bày tỏ mối quan tâm về thực trạng của các tác phẩm điêu khắc trong khu vườn này cũng như nhu cầu cấp thiết phải xây dựng một bảo tàng. Năm 1914, Toàn quyền Đông Dương chấp nhận cấp kinh phí cho dự án bảo tàng, và Parmentier được bổ nhiệm làm giám đốc dự án. Việc xây dựng chính thức bắt đầu vào năm 1915 và hoàn thành năm 1916.
Ngày nay, nếu có dịp tới Đà Nẵng, bạn nên dành chút thời gian ghé thăm BẢO TÀNG ĐIÊU KHẮC CHĂM tại địa chỉ số 02, đường 2 tháng 9, thành phố Đà Nẵng để cảm nhận dấu ấn ngàn năm của thời gian trên mảnh đất miền Trung Việt Nam.
Em là gà…!