Thơ Thẩn chân kinh của gà mờ “Làm Sao Đọc Hiểu Tác Phẩm Thơ” phần 1

Chia sẻ trên Facebook

Bản thân là một “gà mờ” chính hiệu. Chưa từng làm một bài thơ hay câu thơ nào! Tuy nhiên trong quá trình làm chân “chạy việc vặt” trên Đất Việt Tình Thơ có đọc, tìm hiểu qua về thơ, nhằm mục đích…phân loại cho dễ 🙂
Sau khi tầm sư học đạo chừng… hơn một ngày, tiếp thu được một số “bí kíp”, thiết nghĩ rất có lợi cho những gà mờ tương tự, vì vậy mạn phép các bác múa rìu qua mắt thợ viết bài “Thơ thẩn chân kinh” này, có gì không phải thì các bác cứ thẳng thắn chỉ dạy. Xin cảm ơn!

Nhìn chung có những thể thơ chính sau:

  1. Thể thơ Thất ngôn bát cú Đường Luật
  2. Thể thơ Thất ngôn tứ tuyệt Đường Luật
  3. Thể thơ Ngũ ngôn tứ tuyệt Đường Luật
  4. Thể thơ Lục Bát
  5. Thể thơ Song thất lục bát
  6. Thể thơ Bốn chữ
  7. Thể thơ Năm chữ
  8. Thể thơ Sáu chữ
  9. Thể thơ Bảy chữ
  10. Thể thơ Tám chữ
  11. Thể thơ Tự do
  12. Thể thơ Khoán thủ

Trước thế kỷ X khi Việt Nam còn đang chịu đựng ách đô hộ của giặc phương Bắc, tất cả các thể loại văn học chỉ có thể lưu truyền dưới dạng truyện kể truyền miệng. Khi Ngô Quyền đánh thắng giặc Nam Hán vào năm 938, văn chương Việt Nam bắt đầu mở ra thời kỳ mới, thời kì văn học trung đại Việt Nam. Văn học trung đại Việt Nam là một cụm từ được dùng để miêu tả tất cả các tác phẩm văn học bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm được sáng tác trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ XIX. Cụm từ này được dùng để phân biệt với văn học dân gian và văn học cận hiện đại, và hiện đại. Tức là nếu xét về thơ nói riêng 3 giai đoạn nói trên sẽ tương ứng:

  • Trước thế kỷ X: Tạm không bàn tới
  • Từ thế kỷ X – XIX: Có hai giai đoạn tạo thành 2 nhóm thơ chính:
    Giai đoạn Văn học chữ Hán. Các thể thơ Đường luật: ngũ ngôn, thất ngôn (tứ tuyệt, bát cú).
    Giai đoạn Văn học chữ Nôm. Các thể thơ dân tộc: lục bát, song thất lục bát, hát nói.
  • Sau thế kỷ XIX: Cận hiện đại và hiện đại, tạo thành nhóm:
    Giai đoạn Văn học hiện đại. Các thể thơ hiện đại: năm tiếng, bảy tiếng, tám tiếng, hỗn hợp, khoán thủ, tự do, thơ – văn xuôi…

Để tiếp tục, tới đây chúng ta tạm qui ước là những CHỮ nào có dấu huyền hoặc không dấu như đa, đà, pha, phà…thì gọi là HUYỀN (Viết tắt là H). Còn lại những chữ khác như má, mã, mả, mạ…thì gọi là SẮC (Viết tắt là S).  Tạm không theo quy tắc cho dễ.

1.Văn học chữ hán
Bước đầu tiên của văn học trung đại Việt Nam chính là sự tiếp nhận tinh hoa của văn học chữ Hán, xuất phát từ Trung Hoa. Từ năm 938, các thể thơ cũng vì theo văn học chữ Hán mà học tập, nên các bài thơ cũng đi theo các thể thơ Đường Luật là chính.

Thể thơ thất ngôn bát cú Đường Luật là thể thơ có tổng cộng 8 câu, mỗi câu 7 chữ. Tổng cộng cả bài thơ sẽ có 56 chữ. Tùy thuộc vào Chữ Thứ Hai mà ta có 2 kiểu khác nhau như hình dưới. Dấu “x” biểu thị rằng không bàn đến, sắc hay huyền đều được. Chữ thứ 2,4,6 có màu trong hình phải theo đúng luật. Chữ cuối cùng phải theo vần, cái này sẽ không bàn ở đây vì sẽ rối.

 

Đây là 3 câu đầu của bài thơ Qua Đèo Ngang:

Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi, tiều vài chú

Chúng ta thử biến ba câu thơ trên theo kiểu “hát quên lời” như sau:

lá LÁ là LA lá LÁ là (x S x H x S S)
là LA la LÁ lá LA la (x H x S x H H)
la LA lá LÁ là LÀ lá (x H x S x H S)

Đây chính là kiểu thứ hai trong hình. Theo đúng quy luật, chúng ta có thể mạo phạm, chế 3 câu đầu của Bà Huyện Thanh Quan kiểu thế này:

Lao tới Đèo Cù, nắng cháy gà,
Cỏ lau chen mía, cú chen ong.
Lom khom trên đá, tiều dăm chú

Tóm lại cứ theo luật SẮC, HUYỀN như hình trên sẽ cho ra một bài thơ thất ngôn bát cú…tàm tạm (không chú ý tới vần)!

 

Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường Luật là thể thơ có 4 câu và mỗi câu 7 chữ, các chữ cuối của các câu 1-2-4 bắt buộc phải cùng vần với nhau. Chúng ta xét hình bên dưới.

Thử với bài Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương. Chúng ta thấy không hoàn toàn đúng theo quy luật ở 2 chữ “vừa” và “mặc”. Nhưng đây chính là bài thất ngôn tứ tuyệt.

Thân em vừa trắng lại vừa tròn, (H H H S S H H)
Bảy nổi ba chìm với nước non. (S S H H S S H)
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn. (S S S H H S S)
Mà em vẫn giữ tấm lòng son. (H H S S S H H)

Chúng ta có thử mạn phép bà “chế” lại 2 chữ “vừa” và “mặc” để thấy hình hài của thơ thất ngôn tứ tuyệt (chế thôi, không có nghĩa gì cả):

Thân em khá trắng lại vừa tròn, (H H S S S H H)
Bảy nổi ba chìm với nước non. (S S H H S S H)
Rắn nát vào dầu tay kẻ nặn. (S S H H H S S)
Mà em vẫn giữ tấm lòng son. (H H S S S H H)

 

Thể thơ ngũ ngôn tứ tuyệt Đường Luật là một thể thơ giản đơn, gồm bốn câu thơ và mỗi câu có năm chữ. Nhìn chung, quy luật gieo vần và niêm luật đối xứng có phần tương đồng với thể thơ Thất ngôn tứ tuyệt, tuy nhiên vì lược bỏ đi 2 chữ cuối khiến cho bài thơ có phần ngắn.

Dưới đây là bài thơ của Lý Bạch, sở trường là những bài thơ trữ tình tả cảnh theo thể thơ ngũ ngôn tứ tuyệt:

Sàng tiền (H) minh nguyệt (S) quang
Nghi thị (S) địa thượng (S) sương
Cử đầu (H) vọng minh (H) nguyệt
Đê đầu (H) tư cố (S) hương

 

Hết phần 1.

Phần tiếp theo


Chia sẻ trên Facebook

2 bình luận trong “Thơ Thẩn chân kinh của gà mờ “Làm Sao Đọc Hiểu Tác Phẩm Thơ” phần 1”

Để lại một bình luận

error: Content is protected !!
Lên đầu trang