Lạm phát là gì?

Chia sẻ trên Facebook

Có lẽ chúng ta nghe rất nhiều về lạm phát. Vậy Lạm Phát là gì. Ảnh hưởng của lạm phát thế nào với đời sống của chúng ta.

Tóm tắt: Các ngành sản xuất hàng hóa và dịch vụ cùng nhau tạo nên nền kinh tế, nơi mà mọi người kiếm tiền và tiêu tiền.

Nguồn ảnh: CareerLink
Lạm phát đề cập đến sự gia tăng giá cả hàng hóa và dịch vụ trên toàn nền kinh tế theo thời gian. Có nghĩa là với cùng một số tiền chúng ta sẽ mua được ít đồ hơn. Ví dụ rất đơn giản là trước đây bạn uống một ly cà phê mất 10.000 đồng thì bây giờ cũng ly cà phê đó, cũng tại quán đó bạn mất 20.000 đồng. Tức là bạn phải trả một số tiền gấp đôi cho một thứ y hệt trước đây. Nói cách khác, giá cả đã tăng 100% trong thời gian này. Trường hợp này chúng ta có thể nói là lạm phát trong thời gian này tăng 100% không? Trước khi trả lời câu hỏi đó, chúng ta có một ví dụ khác. Trước bão, giá một thùng mì ăn liền là 50.000 đồng. Sau bão, bạn mua một thùng mì ăn liền với giá 100.000 đồng. Một tháng sau, giá mì ăn liền quay trở lại 50.000 đồng một thùng. Trường hợp này chúng ta có thể nói lạm phát tăng 100% không?
Câu trả lời cho Cả hai trường hợp là không. Vì Lạm phát phải tính trong khoảng thời gian dài và phải dựa vào giá của rất nhiều mặt hàng, gọi là rổ hàng hóa, cộng lại tính trung bình. Nếu so với trước mà tăng thì gọi là lạm phát, nếu so với trước mà giảm thì gọi là giảm phát. Trước khi tìm hiểu về công thức tính lạm phát, chúng ta tiếp tục xét một ví dụ đơn giản. Giả sử ta cần tính lạm phát cho nền kinh tế gia đình anh A. Giả sử ngày nào gia đình anh A cũng đi chợ và mua các loại lương thực để đáp ứng nhu cầu sống. Bao gồm gạo (3kg), rau (1kg), cá (2kg), thịt (1kg). Bảng giá các loại lương thực này qua các năm được thể hiện như sau:
Gạo (kg)Rau (kg)Cá (kg)   Thịt (kg)
202120.000        10.000        30.000   100.000
202235.000        10.000        40.000   180.000
Như vậy, tổng số tiền gia đình anh A phải bỏ ra để mua các loại thực phẩm này hàng ngày, và có thể coi như qua các năm là:
    Năm 2021: 3 x 20.000 + 1 x 10.000 + 2 x 30.000 + 1 x 100.000  = 230.000 đồng
    Năm 2022: 3 x 35.000 + 1 x 10.000 + 2 x 40.000 + 1 x 180.000  = 375.000 đồng
Vậy số tiền mua hàng hóa này đã tăng lên 145.000 đồng chỉ sau một năm. Hay nói cách khác, tỷ lệ lạm phát năm 2022 so với năm 2021 sẽ là (145/230) x 100 = 63%.
Giả sử gia đình anh B là bạn anh A cũng hàng ngày đi chợ, nhưng gia đình anh B không ăn thịt, tổng số tiền gia đình anh B phải bỏ ra để mua các loại thực phẩm này hàng ngày sẽ là:
   Năm 2021: 3 x 20.000 + 1 x 10.000 + 2 x 30.000   = 130.000 đồng
   Năm 2022: 3 x 35.000 + 1 x 10.000 + 2 x 40.000   = 195.000 đồng
Khi đó tỷ lệ lạm phát năm 2022 so với năm 2021 sẽ là (65/130) x 100 = 50%.
Hai kết quả khác nhau với cùng một cách tính, cùng một thị trường. Đây chính là vấn đề.
Đối với hai ví dụ trên thì lạm phát chỉ tính đơn giản dựa trên lượng hàng hóa của một hộ gia đình. Tuy nhiên, để tính lạm phát của một quốc gia thì không thể tính một vài loại như ví dụ mà sẽ cần nhiều hơn. Với Việt Nam, chúng ta cần đến hơn 600 loại hàng hóa khác nhau gọi là rổ hàng hóa. Chính vì vậy, nhà nước sẽ chọn ra những loại hàng hóa mang tính thiết yếu, được nhiều người dân thường xuyên sử dụng để tính ra một loại chỉ số. Chỉ số này được gọi là chỉ số giá tiêu dùng CPI. Giỏ hàng hóa và dịch vụ để tính CPI bao gồm: Thực phẩm, đồ uống, nhà ở, quần áo, giáo dục và truyền thông, phương tiện giao thông, giải trí, y tế và những mặt hàng thiết yếu khác.
Để tính CPI thì ta cần quan tâm đến hai yếu tố. Một là giá cả hàng hóa, hai là số lượng hàng hóa được mua. Các bạn có thể xem lại ví dụ minh họa để hiểu rõ hơn về hai yếu tố này. Nếu thay đổi một trong hai yếu tố thì chỉ số CPI hay tỷ lệ lạm phát đều sẽ bị ảnh hưởng.
Chỉ số CPI tăng cho thấy giá của các loại hàng hóa và dịch vụ trên thị trường tăng lên, kéo theo tỉ lệ lạm phát cũng tăng theo. Và cũng vì những vấn đề như đã nêu,xác định cơ cấu giỏ hàng hóa tiêu biểu là điều rất quan trọng: Thông qua điều tra thống kê, chúng ta cần xác định được đúng mặt hàng, lượng hàng hóa và dịch vụ mà một người tiêu dùng điển hình thường hay mua. Ví dụ, khi nền kinh tế phát triển, chi tiêu cho các loại hình dịch vụ như ăn uống bên ngoài, vui chơi giải trí, du lịch đã có tỷ lệ gia tăng hơn.

Chia sẻ trên Facebook

Để lại một bình luận

error: Content is protected !!
Lên đầu trang