Những vụ tắc đường dài nhất và tệ nhất trong lịch sử

Chia sẻ trên Facebook

Tắc nghẽn giao thông (hay kẹt xe, Tắc đường ) là một tình trạng trong giao thông vận tải, được đặc trưng bởi tốc độ lưu thông chậm hơn, thời gian chuyến đi dài hơn, và số lượng phương tiện tham gia giao thông gia tăng. Tắc nghẽn giao thông có thể xảy ra đối với bất kỳ phương thức vận tải nào, đường bộ, đường thủy, hàng không.
Tắc nghẽn giao thông xảy ra khi có một lượng lớn phương tiện tham gia giao thông, chiếm nhiều không gian hơn so với sức chứa của hệ thống giao thông.
Tắc nghẽn giao thông có thể được gây ra bởi tai nạn giao thông, công trình đường bộ đang thi công, điều kiện thời tiết. Chúng ta điểm qua vài vụ Tắc nghẽn giao thông, được coi là tồi tệ nhất trong lịch sử.

Hãy tưởng tượng ngồi trong ô tô, mắc kẹt giữa dòng xe cộ dài cả trăm cây số, mất 12 ngày mới hết tắc. Đó chính là những gì xảy ra khi người Trung Quốc cố di chuyển trên con đường cao tốc nối liền Bắc Kinh – Tây Tạng vào tháng 8 năm 2010. Con đường này bình thường chỉ mất 3 ngày là di chuyển theo vận tốc cho phép. Vụ tắc đường này hoàn toàn không xảy ra vì những lý do khách quan như thiên tai hay đóng đường, mà đơn giản là có quá nhiều xe cùng đi vào con đường cao tốc này cùng lúc, đặc biệt là những xe tải chở vật liệu xây dựng về Bắc Kinh, trớ trêu thay những chiếc xe tải chở vật liệu để mở rộng đường xá, giúp tình trạng tắc nghẽn giao thông được cải thiện lại là nguyên nhân gây ra vụ tắc đường 12 ngày ở Trung Quốc.

Bất kỳ tín đồ nào của nhạc rock cũng biết tường tận hoặc nghe sơ qua từ “Woodstock”. Đó là đại nhạc hội được tổ chức năm 1969 mà tạp chí âm nhạc Rolling Stone gọi là “sự kiện nổi tiếng nhất trong lịch sử nhạc rock”. Vào ngày 15 tháng 8 năm 1969, lễ hội âm nhạc Woodstock khai mạc trên một mảnh đất nông nghiệp ở White Lake, một ngôi làng ở thị trấn Bethel ngoại ô New York, cách Woodstock khoảng 50 dặm. Hơn 400.000 thanh niên đã đổ dồn về Bethel để dự 3 đêm nhạc từ ngày 15 đến 18 – 8-1969. Ngần đó người đậu xe hơi ken cứng vài dặm đường khiến các ca sĩ và nhóm nhạc phải đi trực thăng từ một sân bay nhỏ gần đó đến sân khấu biểu diễn. Việc có quá nhiều phương tiện đã dẫn tới một trong những vụ tắc đường dài nhất trong lịch sử nước Mỹ, khiến đoạn đường 32km bình thường chỉ mất khoảng 1 tiếng là tới nơi thì khi đó kéo dài tới 8 tiếng.

Ngày 1/2/2011, một trận bão tuyết trút xuống Chicago đúng giờ cao điểm buổi tối. Tuyết dày tới hơn nửa mét trên đường cao tốc nên giao thông hoàn toàn ngưng trệ. Các tài xế mắc kẹt trong xe tới 12 tiếng bất lực ngồi nhìn tuyết phủ trắng phía trước. Một số người đã buộc phải bỏ lại xe vì không chịu nổi lạnh.

Tháng 9/2005. Khi cơn bão Rita ập vào thành phố Houston, cư dân thành phố ở bang Texas này được thông báo di tản ngày 21/9/2005, dẫn tới việc 2,5 triệu người gói ghém đồ đạc, tràn xuống đường cao tốc liên bang Interstate 45, tạo ra dòng xe cộ dài hơn 160 km. Tuy nhiên dù dài hơn tắc đường ở Trung Quốc, nhưng dòng xe cộ này chỉ mất có 48 tiếng đồng hồ để thoát ra khỏi ùn tắc, nhưng vẫn khiến nhiều người mắc kẹt 24 giờ đồng hồ trên con đường nối liền Galveston đến Dallas. Dù tắc đường tồi tệ như vậy, nhưng quyết định di tản vẫn là đúng đắn khi cơn bão có sức hủy diệt nghiêm trọng ấy có thể lấy đi hàng trăm nghìn sinh mạng nếu mọi người không lên xe lái đến nơi an toàn hơn.

Vụ tắc đường lịch sử ở Lyon – Paris xảy ra vào tháng 2/1980 khi những người đi nghỉ đông đồng loạt trở về. Kẹt xe đã kéo dài trên tuyến đường dài hơn 160 km. Nguyên nhân chính xác của vụ tắc đường này hiện vẫn chưa rõ, nhưng nhiều khả năng là do thời tiết xấu, cùng với sự quá tải của người tham gia giao thông. Việc có một số xe bị trục trặc có thể góp thêm phần hỗn loạn.

Vào ngày 30/11/2012, một cơn bão tuyết trút lên đường cao tốc M10 nối liền St. Petersburg với thủ đô Moscow của Nga đã gây ra một vụ tắc đường kéo dài khoảng 3 ngày trời. Chính phủ Nga đã phải dựng lều để cung cấp chỗ nghỉ và lương thực cho những các tài xế.

Nhiều người nói rằng kẹt xe ở các nước khác chưa là gì so với Brazil. Những ngày đẹp trời nó sẽ tắc, còn những ngày tồi tệ thì coi như kẹt cứng. Ngày 10/6/2009, những báo cáo cho thấy Sao Paolo đã lập kỷ lục với gần 300 km đường xảy ra tình trạng kẹt xe trên hơn 840 km đường nội thành Sao Paolo. Tờ tạp chí Time ước tính một người phải ngồi im trong xe tối đa 4 giờ đồng hồ mỗi ngày vì tắc đường.

Vào ngày 12/8/1990, Nhật Bản đã chứng kiến cảnh kẹt xe lớn nhất trong lịch sử nước này trên con đường cao tốc nối liền quận Hyogo và Shiga. Khoảng 15.000 chiếc xe tạo thành dòng xe dài hơn 135km.

Tắc nghẽn giao thông khủng khiếp nhất là sự kiện tại Kênh đào Suez. Tổng thời gian tắc nghẽn là 8 năm, 3 tháng, 5 ngày.

Kênh đào Suez mở cửa vào năm 1869 luôn là trung tâm của cuộc xung đột. Lý do là tầm quan trọng của kênh đào như các tuyến đường vận chuyển được sử dụng nhiều để thúc đẩy thương mại quốc tế. Trước khi xây dựng kênh đào, các con tàu đã vượt qua khoảng cách xa hơn để đến các cảng đích của chúng. Họ phải đi vòng quanh lục địa châu Phi để đến các quốc gia châu Á. Với việc mở kênh đào, khoảng cách đã giảm, do đó tạo điều kiện cho một tuyến đường vận chuyển trực tiếp giữa châu Âu và châu Á và các vùng đất nằm xung quanh Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương.

Dù không phải kẹt xe giao thông đường bộ, nhưng sự cố kênh đào Suez của Ai Cập được coi là vụ Tắc nghẽn giao thông tồi tệ nhất lịch sử con người.
Năm 1967, khi đó Ai Cập không có quan hệ thân thiết với nước láng giềng Israel. Căng thẳng ngày càng gia tăng đã làm nổi bật cuộc tấn công của cả hai nước, do đó dẫn đến Chiến tranh Ai Cập-Israel năm 1967. Vào sáng ngày 5 tháng 6 năm 1967, khi bầu không khí bất ổn bao trùm, một đoàn gồm mười lăm tàu chở hàng của Đức, Mỹ, Anh, Thụy Điển, Pháp, Ba Lan, Bulgaria, Tiệp Khắc, tiến vào Kênh đào Suez ở phía Địa Trung Hải để bắt đầu cuộc hành trình sang phía bên kia của Biển Đỏ. Toàn bộ cuộc hành trình được cho là kéo dài mười hai giờ; Nhưng thật không may, phải mất tám năm để vượt qua khoảng cách đó. Trong lịch sử, khoảng thời gian này được ghi nhận là khung giờ Tắc nghẽn giao thông tồi tệ nhất.

Khi các tàu chở hàng đi được nửa quãng đường qua kênh đào Suez, thì Chiến tranh Ai Cập-Israel hay còn được gọi là cuộc chiến 6 ngày, bùng nổ. Trong một nỗ lực bất ngờ, lực lượng Israel đã tiến hành một cuộc không kích chống lại quân Ai Cập. Chẳng mấy chốc, khu vực xung quanh con kênh đầy những mảnh vỡ của bom, vũ khí chiến tranh, xác chết, v.v. Ngay sau đó, chính phủ Ai Cập ra lệnh đóng cửa Kênh đào Suez và tạm dừng hoạt động của 15 con tàu.

Để ngăn chặn sự xâm lấn của lực lượng Israel, người Ai Cập đã chặn các lối vào và lối ra của Kênh đào Suez. Họ làm tắc nghẽn lối đi của kênh đào bằng cách cho nổ các con tàu ở đầu phía bắc và phía nam và phá hủy các cây cầu. Đáng buồn thay, điều này đã khiến mười lăm tàu chở hàng đi qua vào thời điểm đó bị mắc kẹt ở đó suốt từ năm 1967 đến năm 1973, khi Ai Cập và Israel ký hiệp định đình chiến. Mất thêm 2 năm nữa để phía Ai Cập rà phá hết số mìn ở cả hai đầu kênh Suez, và dọn dẹp những xác tàu mắc kẹt. Thủy thủ đoàn của 15 con tàu được đưa về nhà bằng máy bay, và cứ 6 tháng một lần, 10 người mới được đưa đến những con tàu này để phục vụ công tác bảo trì. Kết cục, sau 8 năm, chỉ còn duy nhất hai tàu chở hàng của Đức, Münsterland và Nordwind có thể di chuyển trở về quê nhà. 15 con tàu ấy được đặt tên là Yellow Fleet, sau khi gió cát ở châu Phi tạo ra lớp phủ vàng trên thân tàu.
Bản thân tranh chấp quân sự giữa Ai Cập và Israel cũng khiến kinh tế thế giới thời điểm ấy lao đao, vì để di chuyển từ châu Âu sang Ấn Độ hay những nơi khác ở châu Á, thay vì đi qua kênh Suez, những con tàu phải đi qua Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi, với hành trình dài hơn những 8.900 km cả chiều đi và về. Ùn tắc qua kênh đã cản trở tuyến đường thương mại giữa các quốc gia và nền kinh tế bị ảnh hưởng.


Chia sẻ trên Facebook

Để lại một bình luận

error: Content is protected !!
Lên đầu trang