Năm 1858. cách đây 166 năm trước, liên quân Pháp, Tây Ban Nha nổ súng xâm lược Đà Nẵng, với cái cớ là, “trừng phạt Hoàng đế An Nam đã tàn sát giáo dân và các nhà truyền giáo Pháp”.
Năm 1946, Pháp cũng chọn Đà Nẵng để trở lại Việt Nam.
Năm 1965, cách đây 59 năm, Lữ đoàn 9 thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ vào bãi biển Đà Nẵng, đánh dấu sự can thiệp trực tiếp của Mỹ vào miền Nam Việt Nam.
Vì sao lại là Đà Nẵng chứ không phải một địa điểm khác?
Bản thân nước Việt Nam của chúng ta đã có một vị trí quan trọng trên bản đồ khu vực và thế giới.
Việt Nam nằm vào một trong những ngã tư đường lớn của châu Á. Phía đông là vịnh Bắc Bộ và Biển Đông; phía tây giáp với Lào và Campuchia; phía bắc giáp Trung Quốc; phía nam vừa giáp Biển Đông, vừa có phần thuộc vịnh Thái Lan.
Với vị trí này, Việt Nam vừa là cầu nối giữa khu vực Đông Bắc Á với Đông Nam Á, nằm trên trục đường giao thông quan trọng của các tuyến hàng hải, thương mại nhộn nhịp nhất châu Á, vừa trấn giữ tuyến kinh tế – thương mại hàng hải chiến lược giữa vịnh Thái Lan và Biển Đông; đồng thời, Việt Nam là cửa ngõ đi vào châu Á từ Thái Bình Dương.
Với vị trí địa chiến lược ấy, Việt Nam là địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng của các cường quốc trên thế giới và khu vực. Từ thời cổ đại, Việt Nam đã thường xuyên phải đối mặt với những cuộc bành trướng của các nước lớn từ phía bắc xuống phía nam, từ phía đông (ngoài biển) vào lục địa và tiến hành nhiều cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Vị trí của Việt Nam trong khu vực và thế giới là như vậy. Còn trên bản đồ Việt Nam, Đà Nẵng có vị trí như thế nào? Rõ ràng là so với các vị trí khác dọc theo bờ biển từ Bắc chí Nam, Đà Nẵng có điều kiện tốt để tư bản phương Tây sớm để ý tới. Nằm ngay trên con đường giao thương hàng hải quan trọng, cảng Đà Nẵng, từ rất sớm, đã có nhiều tàu bè nước ngoài lui tới buôn bán. Sau lưng cảng là một hậu phương rộng lớn của Quảng Nam với dân số đông, tài nguyên trên rừng, dưới đất, ngoài biển phong phú, lại có nhiều nghề thủ công nổi tiếng có thể cung cấp hàng xuất khẩu (như tơ lụa, quế, trầm hương…). Những điều kiện thiên nhiên và con người như vậy đã có sức hấp dẫn mạnh đối với các thương nhân nước ngoài. Đà Nẵng vừa là tâm điểm của những chuyến hàng hải vừa là nơi diễn ra quan hệ ngoại giao không chính thức giữa triều đình Huế với các nước phương Tây. Vì vậy, vua Minh Mạng lệnh cho “phàm thương thuyền các nước Tây dương đến buôn bán chỉ được đậu ở cửa biển Đà Nẵng”. Đồng thời, Đà Nẵng là nơi “hải cương trọng địa”, có cửa biển “tối vi xung yếu”, giữ vị trí chiến lược quan trọng trong quân sự, quốc phòng. Với vị thế đó, Đà Nẵng có vai trò đặc biệt về kinh tế, quân sự, quốc phòng dưới triều Nguyễn. Đặc biệt dưới thời chúa Nguyễn, Quảng Nam – Đà Nẵng và Hội An đã có lúc trở thành những trung tâm kinh tế phồn thịnh.
Đó là chưa nói tới ưu thế về mặt quân sự mà các nước phương Tây muốn khai thác: cảng Đà Nẵng tương đối sâu, tàu bè lớn dễ hoạt động, sau khi đổ bộ lên đất liền có thể đánh sâu vào nội địa, tốc chiến tốc thắng thực hiện chiếm đóng toàn vùng, đồng thời có thể dùng đường đèo Hải Vân đánh thốc ra Huế chỉ cách có 100 cây số về phía Đông – Bắc để buộc triều đình Huế đầu hàng tại chỗ, kết thúc nhanh chóng cuộc chiến tranh xâm lược trên thế toàn thắng.
Ngày 31-8-1858, liên quân viễn chinh Pháp – Tây Ban Nha kéo đến dàn trận trước cảng Đà Nẵng. Mờ sáng hôm sau, khi vịnh Đà Nẵng còn đang chìm trong sương mù, những loạt đại bác đầu tiên của hạm đội liên quân đã vang lên báo hiệu cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp đối với Việt Nam.
Với quyết tâm cao của quân và dân ta, cùng với cách chỉ huy chiến thuật hợp lý của Nguyễn Tri Phương, liên quân Pháp – Tây Ban Nha đã bị “chôn chân” tại chỗ và ngày càng lâm vào tình trạng thiếu lương thực, thuốc men, không thích nghi với khí hậu, thời tiết… nên phải nếm trải nhiều thất bại. Mặc dù đã tìm mọi cách để thực hiện ý đồ đánh nhanh thắng nhanh, thay đổi chỉ huy, điều thêm lực lượng… hy vọng giáng cho triều đình Huế một đòn quyết định. Tuy nhiên, với sức kháng cự mãnh liệt của quân và dân Đà Nẵng, cộng thêm những chuyển biến chiến cuộc lúc bấy giờ đã khiến cho thực dân Pháp không thể thực hiện ý đồ ban đầu của mình. Đến ngày 23-3-1860, liên quân Pháp – Tây Ban Nha phải ngậm ngùi tự tay đốt phá các đồn lũy đóng chiếm và rút khỏi vùng biển Đà Nẵng.
Ngày 8/2/1965, Mỹ đưa một tiểu đoàn tên lửa Hawk của thủy quân lục chiến Mỹ vào Đà Nẵng. Một tháng sau, lúc 9h sáng 8/3/1965, Tiểu đoàn 3 thuộc Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 9 đổ bộ lên bãi biển từ Phú Lộc đến Xuân Thiều (nay thuộc quận Liên Chiểu, Đà Nẵng). Chiều cùng ngày, Tiểu đoàn thứ hai của Lữ đoàn 9 được không vận từ căn cứ quân sự Okinawa (Nhật Bản) đáp xuống sân bay Đà Nẵng.
Ngày 29/3/1973, trong lặng lẽ những người lính Mỹ cuối cùng đã rút khỏi Việt Nam theo Hiệp định Paris, chấm dứt hơn 8 năm can thiệp và trực tiếp đưa quân vào xâm lược miền Nam Việt Nam.
Đà Nẵng đã được lịch sử giao phó nhiệm vụ vẻ vang, đó là ngăn chặn những cuộc tiến quân đầu tiên của Pháp và Mỹ. Điều đó cũng nói lên ý nghĩa quân sự đặc biệt của vùng đất này. Đã 166 năm trôi qua (thời điểm viết bài này là năm 2024) kể từ ngày khởi đầu cuộc chiến đấu của nhân dân ta chống trả đợt tấn công của liên quân xâm lược Pháp – Tây Ban Nha vào cửa biển Đà Nẵng, đến nay sự kiện này vẫn là minh chứng sống động cho tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm bảo vệ quê hương được kế thừa và nuôi dưỡng từ thế hệ này tiếp nối thế hệ khác.
Em là gà…!