Đây là phần rất chán, rất dài, rất khó hiểu…nhưng bắt buộc chúng ta phải biết, không những để hiểu về hội họa mà cả về âm nhạc, kiến trúc.
Lịch sử phát triển của nghệ thuật là một quá trình lâu dài và phức tạp, phản ánh sự phát triển của xã hội loài người.
1.Từ tiền sử tới trung cổ:
1a.Thời tiền sử (trước 3000 năm TCN): Là những hình thức nghệ thuật đầu tiên của con người. Các tác phẩm nghệ thuật thời kỳ tiền sử thường mang tính biểu tượng, thể hiện những hình ảnh về cuộc sống của con người thời kỳ này, như săn bắn, hái lượm, sinh hoạt…Một vài tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu vô cùng xa xưa có thể kể đến như tượng vệ nữ Willendorf, phù điêu vệ nữ Laussel, tranh tường hang động ở Lascaux và Altamira.
Ở hai tác phẩm mô tả phụ nữ, có thể thấy chúng biểu trưng cho sự phồn thực, nhấn mạnh vào khía cạnh tính dục của người phụ nữ, có lẽ ngoài việc săn bắt, ăn uống đó là “vấn đề quan trọng nhất” của người tiền sử. Nói cách khác, qua hai tác phẩm tiêu biểu, ta có thể rút ra kết luận phân tích theo phong cách “Gà vịt” của chúng ta: Những tác phẩm dạng này nói lên khát khao, mong muốn, trọng tâm chú ý hàng ngày của người tiền sử đó chính là đời sống tình dục, cũng có thể-như nhiều tài liệu đề cập-là một dạng bùa cầu may cho việc sinh sản. Còn với những bức tranh tường hang, các cư dân tiền sử có vẻ như đã rất cố gắng tái hiện lại thế giới xung quanh họ, phác hoạ những sinh vật mà họ săn bắt hàng ngày như bò rừng, hươu nai, linh dương: Nói lên những con thú được săn bắt hàng ngày chính là cuộc sống của họ, không TV, không iPad, không iPhone…Thú săn chính là tất cả, là thức ăn, là ước mơ, là hy vọng, là tương lai…
1b.Thời cổ đại (3000 năm TCN – thế kỷ 5):Nghệ thuật thật sự dần thành hình, có được những quy ước và phong cách nhất định, làm nền móng cho nghệ thuật các giai đoạn sau. Hãy tưởng tượng thế này: Ngày xưa trong lớp, ta ghét nhất thằng Nguyễn Văn Xấu, vì vậy ta vẽ nó vừa nhỏ, vừa xấu, vừa lùn…Còn ta thì cao lớn đẹp trai, oai phong…Đó chính là phong cách của thời cổ đại, bức Tranh trong mộ Khnumhotep II là một ví dụ: Những người có địa vị cao, như thần thánh, vua chúa, đàn ông thường được vẽ to hơn, thể hiện địa vị quan trọng của họ. Những nhân vật khác như phụ nữ, trẻ em, người hầu, động vật sẽ được vẽ nhỏ hơn khá nhiều.
1c.Thời Trung Cổ (thế kỷ 5 – thế kỷ 15): Một lần nữa, cần nhấn mạnh: Lịch sử, lịch sử và lịch sử. Lịch sử chính là chìa khóa để chúng ta hiểu và thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật. Đế chế La Mã sụp đổ vào thế kỷ 5, cộng với việc Kito Giáo được công nhận là quốc giáo ở La Mã trước đó, phương Tây bước vào thời kỳ Trung Cổ. Đây là thời kỳ tôn giáo làm chủ mọi mặt trong đời sống, và nghệ thuật đã rẽ sang hướng mới.
Thời kỳ đầu của Trung Cổ là sự xuất hiện của phong cách Carolingian và Ottonian, gắn liền với sự phát triển của Thánh chế La Mã: Đặc điểm chính là mang điển tích tôn giáo tới người xem. Kiểu như một bức tranh thời xưa chúng ta đi học, ta vẽ hai hình người que, một đặt tên A, một đặt tên B. Sau đó ta thêm một trái tim vào giữa, vậy là đã có một tác phẩm kể về câu chuyện A gặp B và sau đó “hai trẻ”… yêu nhau! Nói tóm lại, để hiểu một tác phẩm nghệ thuật thời kỳ này, ta cần biết câu chuyện phía sau.
Sau giai đoạn Carolingian & Ottonian là giai đoạn của phong cách Roman, hay còn gọi là Romanesque. Điểm đặc biệt của giai đoạn này là kiến trúc, với phong cách xây dựng tu viện khá chắc chắn và kiên cố, thể hiện sự ổn định chính trị châu Âu lúc này.
Ở cuối thời Trung Cổ, phong cách Gothic vươn lên thống trị nền nghệ thuật châu Âu. Với sự tao nhã và mềm mại, Gothic xuất hiện ở rất nhiều các công trình, các tác phẩm kính màu, điêu khắc và hội hoạ. Những bức bích hoạ, mặc dù vẫn mang đậm âm hưởng tôn giáo, dần tạo được cảm giác về chiều sâu và sự tự nhiên trong đường nét. Có nghĩa là, để hiểu một tác phẩm nghệ thuật thời kỳ này, ngoài việc ta cần biết câu chuyện phía sau, ta còn nhìn nhận ra những đường nét thật hơn, mềm mại hơn, có một chút 3D hơn, chỉ một chút thôi, hoàn toàn chưa có khái niệm xa gần, 3D thật sự.
Em là gà…!