Thưởng thức nghệ thuật dành cho gà mờ, viết bởi…gà mờ phần 3e

Chia sẻ trên Facebook

3.Từ chủ nghĩa Lãng Mạn tới ngày nay

 

3a.Chủ nghĩa Lãng Mạn – Romanticism (1780 – 1830): Cuộc Cách mạng tư sản Pháp năm 1789 đã đánh đổ chế độ phong kiến. Sự kiện này là một bước ngoặt, tác động đến tư tưởng tình cảm của mọi tầng lớp trong xã hội. Đối với lớp người cũ, họ cảm thấy bất mãn với trật tự xã hội mới, lo sợ trước các phong trào quần chúng, hoang mang vì tương lai mờ mịt đồng thời luyến tiếc thời oanh liệt không còn nữa. Một bộ phận tầng lớp tiểu tư sản bị phá sản khi cách mạng nổ ra nên họ có tâm trạng bi đát. Đối với lớp người ủng hộ và đặt hy vọng vào cuộc cách mạng thì họ cảm thấy thất vọng, thành quả thực tế của cuộc cách mạng không như họ mong muốn. Chính những phản ứng đối với xã hội thực tại của họ đã sản sinh ra chủ nghĩa lãng mạn. Hơi khó để thấu hiểu cho mấy gà mờ như chúng ta! Ví dụ thế này: Ngồi trong lớp, học một tiết…lịch sử buổn ngủ quá, khó tiếp thu quá…Vậy là ta lấy bút chì ra lén lút vẽ một ông nào đó…hơi xấu, hơi ác (xin lỗi các thầy cô, chỉ là ví dụ thôi)…Và chú thích “thầy Nguyễn Văn A”, đây chính là một tác phẩm theo kiểu Chủ nghĩa Lãng Mạn – Romanticism! Đại khái muốn thể hiện mộng ước, tình cảm…kiểu như mong muốn sớm…hết tiết học lịch sử, tình cảm…bực tức phải ngồi nghe, mong sớm…tự do!

3b.Chủ nghĩa Hiện Thực – Realism (1840 – 1880): Như tên gọi, là trào lưu thể hiện mối quan tâm đến sự đích thực và quang cảnh cũng như đời sống hàng ngày của con người. Bạn nhìn một quyển sách trên bàn và vẽ nó…đó là hiện thực, đơn giản vậy thôi.

3c.Trường phái Ấn Tượng – Impressionism (1862 – 1892): Là một trong những trường phái quan trọng nhất trong lịch sử nghệ thuật hiện đại. Đề tài chính là cuộc sống hàng ngày, phong cảnh, không có tranh lịch sử, tôn giáo. Vì vẽ cuộc sống hàng ngày nên đa số là ngoài trời, cũng vì vậy cần vẽ nhanh, bỏ qua chi tiết. Kiểu như bạn nhìn một cái cây và “quệt quệt” vài đường, miễn là ai nhìn vào cũng sẽ hiểu đó là cái cây, thì đó chính là tác phẩm theo trường phái ấn tượng của bạn

3d.Trường phái Hậu Ấn Tượng – Post-Impressionism (1880 – 1914): Các nghệ sĩ Hậu Ấn Tượng gửi gắm nhiều cảm xúc hơn trong tác phẩm. Lấy ví dụ “quệt quệt” cái cây ở trên, bạn muốn gửi gắm hình ảnh kiên cường, mạnh mẽ…thì những nét “quệt” của bạn sẽ cứng cáp hơn, vươn thẳng lên hơn…

3e.Trường phái Biểu Tượng – Symbolism (1880 – 1910): Trong khi Ấn Tượng chú tâm vào việc mô tả thế giới xung quanh, trường phái Biểu Tượng lại khai thác cảm xúc và tâm trạng của người nghệ sĩ. Các tác phẩm Biểu Tượng, như cái tên của nó, thể hiện những biểu tượng, hay còn gọi là những lối tắt về hình ảnh, nhằm khơi gợi và truyền tải cảm xúc. Cũng vẫn ví dụ “quệt quệt” cái cây ở trên, thay vì muốn vẽ và mô tả cái cây, thì hình ảnh cái cây có mục đích truyền đi thông điệp cảm xúc của bạn. Ví dụ, ai đó nói bạn đang sợ hãi, đang yếu đuối…bạn sẽ vẽ cái cây, ý muốn nói rằng bạn đang đứng thẳng, kiên cường, không hề sợ hãi.

3f.Trường phái Biểu Hiện – Expressionism (1905 – 1933): Với đặc điểm màu sắc mạnh mẽ phi tự nhiên và hình thể góc cạnh bị bóp méo. Thông qua những đặc điểm này, người nghệ sĩ bày tỏ và phóng đại cảm xúc cá nhân.

3g.Trường phái Lập Thể – Cubism (1907 – 1922): Lấy cảm hứng từ hình khối trong những tác phẩm của Paul Cezanne, Pablo Picasso và Georges Braque đã đồng sáng lập nên trường phái lập thể. Nói chung mới nhìn sẽ chỉ thấy những hình khối, phải quan sát kỹ càng, hình ảnh vật thể sẽ dần dần hiện ra.

3h.Trường phái Siêu Thực – Surrealism (1924 – 1966): Rất dễ nhận ra: mọi thứ đều không thật, thơ mộng, kỳ lạ, ảo giác và ngẫu nhiên.

3i.Nghệ thuật đại chúng – Pop Art (1950s – 1970s): Liên quan đến sự bùng nổ về tiêu dùng, với các sản phẩm như poster quảng cáo, tranh ảnh, sách báo.

3j.Nghệ thuật đường phố – Street Art (1967 – nay): Các tác phẩm nghệ thuật đường phố thời đầu không được công nhận bởi giới giải trí chính thống, hoặc không được thị trường thừa nhận và thèm muốn. Nhưng nghệ thuật đường phố lại là thứ thân quen với những người dân bình thường chốn đô thị, nhấn mạnh sự phá cách, sự kháng cự thể chế cai trị và sự châm biếm xã hội.

Phần tiếp theo 4a

Phần trước


Chia sẻ trên Facebook

Để lại một bình luận

error: Content is protected !!
Lên đầu trang