Nếu bạn tò mò cách nào để hiểu nghệ thuật, hoặc làm sao để thưởng thức một tác phẩm…bạn sẽ lạc trong hàng trăm, hàng ngàn bài chỉ dẫn.
Không có cái nào sai cả, nhưng đôi khi làm theo các chỉ dẫn, bạn sẽ lạc lối giữa một rừng lý thuyết. Bạn sẽ nghĩ rằng “Thực ra mình có cần những lý thuyết này không..?”. Nào là lý thuyết màu sắc, luật xa gần…nào là tiền cảnh, hậu cảnh…”Thưởng thức”…một tô bún, đơn giản là ngồi xuống và…ăn! Đâu cần biết bún làm từ bột gạo hay bột bắp, bột mì…Đâu cần hiểu cách người ta nuôi…bò ra sao? Cũng đâu cần tìm hiểu làm sao để trồng…hành? Nếu thưởng thức một tô bún là phải biết người ta cho tỷ lệ bao nhiêu phần trăm thịt, bao nhiêu phần trăm bún, bao nhiêu phần trăm nước…thì có lẽ đứng lên đi ăn…xôi còn thú vị hơn!
Như chúng ta đã từng ví dụ hơi…tào lao một chút, giả sử ta ghét cay ghét đắng một Nguyễn Văn A nào đó, ta vẽ dù nguệch ngoạc một khuôn mặt rất…xấu, rất thấp bé, rất khó ưa…Đặt tên “trừu tượng” là N.V.A…Ai muốn hiểu gì đó thì hiểu…Để tăng tính…nghệ thuật, ta vẽ bên cạnh N.V.A một người vô cùng…đẹp trai, cao to, ưa nhìn…với hàm ý đó là…ta…Cái đó có thể gọi là nghệ thuật không? Chắc chắn đó là nghệ thuật…của riêng ta! Nếu ta làm một bài phân tích về “hoàn cảnh lịch sử” của bức tranh, nào là N.V.A mượn 5.000 đ của…ai đó 10 năm chưa thấy trả lại, nào là N.V.A hồi đi học có trốn học…1 ngày, nào là N.V.A hồi nhỏ có lần ăn trộm…1 trái ổi….Sau đó làm thêm một bài phân tích về “tác giả”, đó không phải ai khác, chính là …ta. Nào là dù khó khăn vẫn vươn lên trước nghịch cảnh, nào là mặc dù…đẹp trai nhưng vẫn rất khiêm tốn…Rồi thêm bài phân tích về nghệ thuật “To-Nhỏ”, nghệ thuật “Xấu-Đẹp” của bức tranh…Có lẽ cái ngày “tác phẩm vĩ đại” của ta nổi tiếng khắp quả đất cũng không xa…!
Thật ra, lịch sử là một điều mà cá nhân chúng tôi cho rằng quan trọng nhất trong việc thưởng thức nghệ thuật. Đứng trước một bức hình, vẽ trên đá một cách “xấu xí” của người tiền sử, bạn thật sự không cần bất cứ kiến thức nào về màu sác, phối cảnh, xa gần…, bạn chỉ cần chìm đắm trong tưởng tượng và cảm giác khi mà trước mắt bạn đang là những gì được tạo ra hàng ngàn, hàng ngàn năm trước…Một người đàn ông hay đàn bà…một người trẻ hay già…vì sao người đó vẽ những hình này…mưa gió, nắng nóng, băng tuyết, cát bụi thời gian của hàng ngàn năm đã đi qua nơi này…Tất cả những cái đó, thiết nghĩ đủ để chúng ta chìm đắm trong cảm giác bùng nổ của việc thưởng thức…Nó cũng như khi chúng ta bước trên những phiến đá của Grand Canyon vĩ đại với lịch sử hàng tỷ năm vậy…
Giống như trường phái lập thể hay siêu thực, những tòa nhà méo mó, những con người méo mó, những màu sắc khác thường…Và người ta gọi đó là nghệ thuật! Trong lúc bạn vừa hăng hái, ngốn ngấu, nghiền ngẫm nào là lý thuyết màu sắc, qui luật xa gần, thế nào là đường chân trời…Rõ ràng dùng chính cảm giác, trái tim của chúng ta để cảm nhận sẽ dễ tiêu hóa hơn với những …gà mờ như chúng ta. Tìm hiểu vì sao ngôi nhà đó lại được vẽ méo mó như vậy chắc chắn sẽ tốt hơn là tìm hiểu ngôi nhà đó đã vẽ đúng tỷ lệ chưa…
Cần khẳng định là thưởng thức nghệ thuật không hề đơn giản, chắc chắn chúng ta phải được trang bị những kiến thức nhất định, chúng ta phải thật sự nghiêm túc tìm hiểu. Nhưng đừng cố trở thành nhà phê bình nghệ thuật, ngay cả các nhà phê bình nghệ thuật cũng mỗi người mỗi ý. Cố gắng hiểu lịch sử và chính người sáng tạo ra tác phẩm, có vậy chúng ta mới cảm thụ được. Đứng trước một tác phẩm nghệ thuật, bạn sẽ thưởng thức như thế nào là do bạn chọn: Cố gắng phân tích xem thử có đúng qui luật xa gần không…cánh tay so với thân hình đã đúng tỷ lệ chưa…cái cây này đã đúng tỷ lệ với tòa nhà kia chưa…Hay bạn biết rõ tác phẩm được sáng tạo trong thời kỳ chiến tranh bùng nổ…bạn biết tác phẩm này thuộc thời kỳ Phục Hưng hay Baroque…bạn biết rõ vì sao có những nhân vật trong tác phẩm…bạn hiểu tâm trạng của người họa sĩ…Cảm nhận tổng thể, hiểu một phần hoàn cảnh lịch sử…sau đó chúng ta mới phân tích xa gần, tiền cảnh hậu cảnh, màu sắc….Có lẽ đó mới chính là thưởng thức!
Em là gà…!