Chúng ta sẽ không phân tích theo kiểu chuyên nghiệp. Việc đó đã có hàng ngàn nhà phê bình làm.
Dù có gà mờ đến đâu, thưởng thức bất kỳ tác phẩm nào cũng đòi hỏi bạn phải có một kiến thức căn bản về hội họa, về lịch sử, văn hóa và người họa sĩ tạo nên tác phẩm. Nhắc lại vấn đề…bún hóa của chúng ta, để thưởng thức một tô bún bò Huế, chúng ta không cần phải là một chuyên gia ẩm thực, hiểu biết về cách làm bún, cách hầm xương, chọn thịt…Nhưng chắc chắn chúng ta phải biết một tô bún ngon nước dùng phải ngọt thanh, thịt phải mềm, phải đầy đủ giò heo, thịt nạm, chả, hành, ớt…Lại bàn về nghệ thuật mà nuốt nước miếng nữa rồi!!
Mona Lisa là một trong những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhất của họa sĩ người Ý Leonardo da Vinci, được vẽ vào khoảng năm 1503-1506.
1. Đây là thời kỳ thịnh Phục Hưng. Có ba cụm từ có thể miêu tả dễ hiểu cho những gà mờ như chúng ta về thời kỳ Phục Hưng, đó là tự nhiên, chân thật và ít tập trung vào tính mộ đạo. Chúng ta sẽ cảm nhận được việc áp dụng khoa học, giải phẫu học, vật lý…trong những tác phẩm thời kỳ này.
Nói áp dụng giải phẫu, vật lý, khoa học….trong hội họa sẽ khiến gà mờ như chúng ta…chuếnh choáng! Thật ra không đến mức…kinh khủng như vậy. Hãy tưởng tượng hồi nhỏ ta muốn vẽ một quả bóng, ta sẽ làm gì? Rõ ràng là chỉ cố khoanh một đường tròn lên giấy. Sau này, “trình độ nghệ thuật” khá lên, ta sẽ vẽ một hình 3D, và đó chính là ta đã áp dụng kiến thức khoa học vào “tác phẩm” của chúng ta!
Với chân dung, hay nói đơn giản là vẽ người thì mọi “lý thuyết” của chúng ta cũng áp dụng tương tự. Khi bạn nhìn một tác phẩm với những ngón tay…chỉ là những ngón tay, bạn không thể cảm nhận từng đốt ngón tay, từng cái móng tay, từng đốt xương ngón tay…Bạn không thể cảm nhận những khớp xương của cánh tay…Những khuôn mặt có mắt, mũi, miệng…nhưng bạn khó mà hình dung ra được hốc mắt, quai hàm…Thì đó là những hình vẽ của thời kỳ trước. Phục Hưng đã “khoa học” hơn nhiều!
Quay lại với tác phẩm Mona Lisa. Chúng ta biết rằng tác phẩm được sáng tác thời kỳ thịnh Phục Hưng, biết được điều đó chúng ta “căng mắt” ra để thấy những đặc điểm của thời kỳ này: Không tập trung vào tính mộ đạo, trên gương mặt bạn có thể cảm nhận rõ ràng hốc mắt, xương gò má…cảm nhận độ dày của môi…cảm nhận độ nhô ra của cằm…cảm nhận mi mắt, bọng mắt…bạn còn có thể thấy gân xanh trên bàn tay…mọi thứ rất chân thật. Từ việc nắm bắt hình dạng như tỷ lệ cấu trúc, kết cấu, ánh sáng và bóng tối… đến đặc tính bên trong cơ thể như xương, cơ… khiến bức tranh rất thật và tự nhiên.
2. Kỹ thuật vẽ: Mona Lisa được Leonardo da Vinci vẽ bằng kỹ thuật sfumato, là một phương pháp vẽ sử dụng sự chuyển tiếp mềm mại giữa các màu sắc, không có một đường nét nào rõ ràng chỉ là những bóng mờ êm chuyển giữa các sắc độ và tông màu khác nhau. Kỹ thuật này cho phép tạo ra sự chuyển động và mềm mại trên bức tranh, tạo ra sự chân thật trong bức họa. Trong hội họa đây là kỹ thuật để tạo sự chuyển tiếp mềm mại giữa các màu sắc và tông màu với nhau, ví dụ như phần ánh sáng và bóng râm, Sfumato giúp đường biên giữa 2 mảng màu mờ đi một cách tự nhiên, đặc biệt kỹ thuật này được áp dụng hiệu quả để tạo ra hiệu ứng khí quyển cũng như chuyển sắc êm dịu từ sáng sang đậm của màu da. Nói theo phong cách…”bún hóa” của chúng ta thì đây là kỹ thuật mà khi bạn chuyển từ màu nâu (ví dụ) qua màu vàng…mọi thứ sẽ rất mềm mại, tự nhiện, bạn sẽ khó mà phân biệt được ranh giới giữa hai màu.
3. Sự biểu cảm của chân dung. Rõ ràng, dù chúng ta có là gà mờ hay chuyên nghiệp thì nhìn vào tác phẩm cũng có một cái gì đó…khó tả về biểu cảm…Ta khó mà đưa ra nhận định dứt khoát là : Vui, buồn, suy nghĩ, chào đón…
4. Leonardo da Vinci (1452 – 1519) là một họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhạc sĩ, bác sĩ, kỹ sư, nhà giải phẫu, nhà phát minh và nhà triết học tự nhiên người Ý. Ông được coi là thiên tài toàn năng nhất lịch sử nhân loại. Ông là tác giả của những bức hoạ nổi tiếng như Mona Lisa, Bữa ăn tối cuối cùng. Mona Lisa tồn tại đã hơn 500 năm và do Leonardo da Vinci vẽ. Chỉ hai điều đó cũng đủ để Mona Lisa đã trở thành một biểu tượng văn hóa.
Phần tiếp theo
Em là gà…!
🥰🥰🥰🥰🥰