Thành Điện Hải là một di tích lịch sử, văn hóa mang nhiều giá trị. Thành Điện Hải là biểu tượng cho ý chí quật cường, thể hiện tinh thần yêu nước mãnh liệt của nhân dân Đà Nẵng nói riêng, và cả nước nói chung trong buổi đầu kháng Pháp.
Đà Nẵng có một vị trí hết sức quan trọng đối với Việt Nam cũng như khu vực Biển Đông, vì thế từ thời chúa Nguyễn, đế quốc Pháp nhiều lần dò xét. Pháp đánh Đà Nẵng, thành Điện Hải cũng như căn cứ phòng thủ của ta tại Đà Nẵng nằm trong mục tiêu của chúng. Trong 2 lần liên quân Pháp – Tây Ban Nha đánh Đà Nẵng, chúng đã tấn công thành Điện Hải 3 đợt. 2 đợt vào tháng 9-1858 và 1 đợt vào tháng 4-1859 nhưng luôn nhận được sự thất bại.
Thắng lợi tại mặt trận Đà Nẵng là thắng lợi của lực lượng toàn dân tham gia đánh giặc cứu nước. Không chỉ có quân đội của triều đình Huế, mà nhân dân vùng Đà Nẵng đã tham gia đào hào đắp lũy, ngăn chặn đường tiếp quân của giặc. Chiến lược tản cư, vườn không nhà trống cũng đã được thực hiện trong trận mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân. Những tên đất như An Hải, Điện Hải, Cẩm Lệ, Liên Trì, Phước Ninh, Thạc Gián và tên người như Đào Trí, Lê Đình Lý, Nguyễn Tri Phương… gắn liền với những sự kiện, chiến công đã được ghi lại rất nhiều trong lịch sử.
Gần 200 năm qua, thành Điện Hải vẫn tồn tại với thời gian bên đường Trần Phú như một chứng tích lịch sử thầm nhắc nhở mọi người nhớ về những năm tháng đau thương nhưng anh dũng của nhân dân Đà Nẵng trong cuộc chiến chống xâm lược bảo vệ quê hương, đất nước.
Thành điện hải có Giá trị kiến trúc, kỹ thuật xây dựng
Về kiến trúc: thành Điện Hải là loại hình kiến trúc quân sự gồm thành lũy và pháo đài, được thiết kế theo kiểu Vauban.
Thành Điện Hải được xây dựng bằng gạch có chu vi 556m, cao 5m, có hào sâu 3m, hình vuông có 4 góc lồi. Đây là loại hình kiến trúc quân sự được du nhập từ châu Âu vào nước ta, hầu hết được xây dựng vào thế kỷ 18 đến thế kỷ 19. Hiện trên đất nước ta còn lại không nhiều các di tích loại này và hầu hết không còn nguyên vẹn. Về quy mô, thành Điện Hải là một trong những di tích còn tương đối rõ về quy mô kiến trúc. Tuy bị chiến tranh, thời gian tàn phá nghiêm trọng, nhưng thành Điện Hải vẫn còn giữ được một số thành phần kiến trúc cho phép có thể hình dung được quy mô cũng như kiến trúc của thành.
Tuy trải qua thời gian dài bị chiến tranh tàn phá và thiên nhiên bào mòn, song thành vẫn đứng vững và mang nhiều giá trị về kiến trúc của một tòa thành quân sự với tường cao, hào sâu, thể hiện sự vững chắc của một tòa thành quân sự.
Về kỹ thuật xây dựng: kết cấu gạch khối lớn đảm bảo tính ổn định, tính bền vững bằng kỹ thuật xây dựng và vật liệu truyền thống. Các dạng kết cấu chính: kết cấu tường chắn đất, kết cấu vòm cuốn, xử lý nền móng công trình… Thông qua kết quả khảo sát sơ bộ có đối chứng với tài liệu nghiên cứu và các tư liệu khác có thể mô tả kỹ thuật xây dựng như sau: tường thành được xây theo kết cấu tường chân đất dạng trọng lực, kết cấu vòm cuốn chỉ có ở cổng nhỏ của hai cầu; kỹ thuật xây của thợ xưa rất chuẩn mực về kích thước, hình dạng và tính đối xứng cao, sai sót về kích thước rất nhỏ, có thể nói là không đáng kể. Độ phẳng mặt tường không tô trát rất cao, mạch vữa đều và thẳng nhất là ở tường. Đặc biệt, ở vòm cuốn xây mạch vữa nhỏ, đều kể cả cung tròn về cao trình cũng như kích thước; sử dụng vật liệu từ gạch nung, vữa xây chất lượng cao cho đến nay vẫn rất tốt.
Vauban là tên của nhà kiến trúc sư người pháp dưới thời Louis 14 với tên đầy đủ là Sébastien Le Prestre de Vauban (sinh năm 1633, mất năm 1707). Trong cuộc đời ông đã xây dựng hơn 30 tòa thành và không dưới 300 đồn lũy. Những công trình đó được tập hợp trở thành một phong cách kiến trúc riêng biệt và chúng được gọi với cái tên của chính người tạo ra: Vauban.
Thành Vauban, thực tế là cả một hệ thống phức hợp các công trình kiến trúc liên quan mật thiết với nhau và mang tính phòng thủ toàn diện từ tường thành, pháo đài, đài giác bảo, pháo môn, tường bắn… cho đến hào thành và đường bao ngoài hào. Khi được tính toán kỹ về mặt sắp đặt và kích thước, khối công trình đồ sộ đó hoàn toàn có thể tạo ra những “đô thị bất khả xâm phạm”.
Những công trình mang dấu ấn của kiến trúc Vauban tại Việt Nam
Kinh thành Huế
Được xây dựng năm 1805 và hoàn thành vào năm 1832 – Đời vua Minh Mạng. Kinh thành Huế là biểu trưng rõ nét nhất của kiến trúc Vauban tại Việt Nam. Với cấu trúc gồm 3 vòng thành( Kinh Thành, Hoàng Thành và Tử Cấm Thành). Trải rộng bên bờ sông hương với chu vi gần 9km gồm 4 pháo đài góc, 5 pháo đài vươn ra ngoài mặt tường thành cùng các pháo môn dùng cho trên 400 khẩu đại bác. Phía ngoài Kinh thành là hệ thống hào bao quanh bốn mặt. Cách hào khoảng 200m phía ngoài là hệ thống sông Hộ thành.
Các tỉnh thành thời Nguyễn
Kiến trúc Vauban được xây dựng chủ yếu tại các tỉnh thành trải dài từ Bắc xuống Nam như Cao Bằng, Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nam Định, Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Phú Yên, Vĩnh Long, Khánh Hòa..
Các thành đều được xây dựng theo chuẩn kiến trúc Vauban, tùy theo địa thế rộng hẹp mà chu vi có thể 200, 300 trượng, hoặc có thể lên đến 1000 trượng. Tuy nhiên, chiều cao của thành không được vượt quá 1 trượng. Thành có hào bao bọc xung quanh, chiều rộng của hào chỉ từ 4 đến 5 trượng. Thành có thể được đắp bằng gạch hoặc đá, nền lát đá Thanh và đều có bốn cửa: Trước, sau, tả và hữu.
Thành Hà Nội được vua Gia Long cho xây đắp theo kiểu Vauban vào năm 1803.
Thành Điện Hải nằm ở tả ngạn phía Tây sông Hàn. Ban đầu nó được Vua Gia Long cho xây dựng bằng đất vào năm 1813, gọi là Bảo Điện Hải, nằm gần cửa biển nên dễ bị hư hại. Đến năm 1823, Vua Minh Mạng chỉ dụ cho xây lại bằng gạch, nên gọi Thành Điện Hải và lùi sâu vào đất liền, nằm trên vùng Trẹm thuộc làng Thạch Thang (như hiện nay). Thành được xây dựng theo kiểu Vauban, có hình vuông với bốn gốc lồi hình cung tròn, có độ cao hơn 5m, chu vi 556m, các hào sâu hơn 3m và 2 cửa: một cửa hướng về phía Đông, nhìn xuống sông Hàn; một cửa hướng về phía Nam (cửa chính). Thành có hai lớp tường, cách nhau bởi một hào sâu và thành ngoài cao hơn thành trong. Trong thành ngoài nhà ở của các tướng và binh sĩ còn có kho thuốc súng, kho đạn và vũ khí, kho lương thực, xưởng đúc đại bác và sửa chữa súng bị hỏng, hành cung kỳ đài. Trong thời kỳ này, Thành Điện Hải là một trong những công trình phòng thủ quan trọng nhất ở Đà Nẵng cùng với đồn An Hải bên kia tả ngạn sông Hàn, kiểm soát tàu thuyền vào ra ở cửa biển Đà Nẵng.
Sau năm 2004, thành phố Đà Nẵng đã quyết định đầu tư trùng tu, tôn tạo lại Thành Điện Hải với kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và của Thành phố, với việc phục dựng toàn bộ tường thành góc lồi ở phía Tây Bắc, trùng tu tường thành ở phía Bắc và phía Đông, phục dựng lại cửa và hào phía Nam. Bên cạnh đó cũng cho xây dựng Bảo tàng Đà Nẵng trên Thành Điện Hải, tiến hành xây lại 172,5 m2 tường thành bị sụt lở, nạo vét 1.800 m3 đất ở các hào rãnh bị lấp. Trong quá trình thi công những việc trên đã phát hiện một số khẩu súng thần công còn sót lại. Năm 2010, Bảo tàng Đà Nẵng chính thức khánh thành mở cửa đón khách tham quan. Bảo tàng Đà Nẵng cũng đã trưng bày các khẩu súng thần công được tìm thấy tại Thành Điện Hải trước sân Bảo tàng.
Với những giá trị đặc biệt trên, Di tích lịch sử Thành Điện Hải đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2082/QĐ-TTg ngày 25/12/2017.
Em là gà…!